Nhớ ngày bé, bọn con nít chúng tôi hay ngồi dưới những tán lá Mù u để thả hồn theo những cơn gió, nói cho văn vẻ thế thôi chứ thật sự là vì “đuối” sau một ngày rong chơi... Những bông hoa Mù u nhỏ xíu, xinh xinh rụng trắng. Hoa đẹp bởi một màu trắng tinh khiết, giản dị. Hoa Mù u không kiêu sa, quý phái như hoa hồng, hoa lan... nhưng đủ để làm ngất ngây lòng người. Tôi thường nhặt những bông hoa nhỏ, nâng niu chúng trong bàn tay, không dám chạm mạnh vì sợ cánh hoa sẽ rơi rụng. Hoa Mù u có nhụy vàng trông giống như nhụy hoa mai. Tôi nâng hoa lên ngửi, một mùi thơm tỏa ra rất dịu nhẹ và kể từ đó tôi yêu hoa, yêu cả cái tên mộc mạc, dân dã, “quê mùa” - cây Mù u...
Ngoại nói, không biết cây Mù u từ đâu mà có, có lẽ từ một bờ rạch nào đó, trái Mù u rụng xuống nước rồi theo dòng sông trôi đến đây nẩy mầm, mọc rễ, cây càng lớn càng mát nên ngoại cũng không nỡ chặt bỏ. Cây Mù u cho hoa, cho trái cũng thật “lạ” hơn những giống cây khác. Trong một chùm bông Mù u, bên cạnh những bông còn e ấp thì có những bông cũng đang “ôm” trái nhỏ, mỗi trái tròn bằng đầu ngón tay út mũm mĩm, xinh xắn. Trái Mù u trưởng thành có màu xanh nhạt, rất tròn. Đến cuối thu, khi chín, chúng chuyển sang màu vàng hoặc nâu sậm... Ngẫm nghĩ lại thấy “trí tuệ” của bọn tôi cũng thuộc dạng “siêu đẳng” lắm. Bọn con trai thì nghịch ngợm, gặp trái Mù u rụng là chúng nó hí hửng nhảy vào lượm không sót một trái, bọn nó khoái chí lắm vì phen này sẽ có một túi quần “đạn Mù u” để tha hồ bắn nạng thun...
Còn bọn con gái chúng tôi thì “nữ công gia chánh” hơn, lượm trái Mù u về bỏ vỏ, mài gọt để làm những chiếc gáo chơi nhà chòi, chơi trò bán tiệm, đồ hàng... Gáo Mù u nhìn giống hệt gáo dừa, tôi thích xỏ dây vào để làm đôi gánh hàng bé xíu, nhìn chúng thật dễ thương! Không chỉ góp phần quan trọng vào “mớ” danh sách trò chơi của chúng tôi không thôi mà với người lớn, trái Mù u có công dụng rất tuyệt vời.
Ngoại vừa móm mém nhai trầu vừa kể, hồi đó nhà ai cũng nghèo lắm không riêng gì nhà mình. thời bao cấp làm gì có điện, còn dầu lửa cũng đắt và hiếm lắm. Ai cũng lượm Mù u về đem đổ ra phơi như phơi lúa. Phơi khô rồi thì đập, ép ruột Mù u để lấy dầu. Ngoại thường lấy cái chén hay một cái dĩa để đựng dầu, cho thêm cọng tim nằm vắt thòng ra vành miệng để đốt. Hôm nào hết dầu thì bà con trong xóm giúp nhau một ít dầu Mù u để “chia sáng” trong nhà... cảnh nghèo nhưng mà vui.
Mẹ tôi cũng góp vui trong câu chuyện của ngoại: “Hồi nhỏ mẹ cũng học bài bằng đèn Mù u, chứ đâu sướng như tụi con bây giờ, bật công tắt là có đèn điện sáng trưng”. Và trái Mù u còn có nhiều công dụng khác nữa... Giờ đây, hàng Mù u sau vườn, trên bờ sông của ngoại không còn nữa, những hồi ức về tuổi thơ trong tôi chỉ còn là kỉ niệm đẹp... Cũng đã lâu rồi, tôi không nhìn thấy những cánh hoa trắng muốt, những trái Mù u gắn liền với bao kỷ niệm tuổi thơ. Có lẽ chút hồn quê giờ đã lùi xa và dần vắng bóng!
Theo C.T (Báo Đồng Tháp)